Tóm tắt bài học
I. KHÁI NIỆM TẬP HƠP
1. Tập hợp và phần tử
Để chỉ rằng a là một phần tử của tập hợp X, ta ký hiệu: a∈ X.
Còn nếu a là một phần tử không thuộc tập hợp X ta ký hiệu: a ∉ X.
2. Cách xác định tập hợp
Cách 1: Liệt kê các phần tử của tập hợp
Tập X gồm các phần tử: a, b, c, … ta viết X = {a;b;c;...}.
Cách 2: Chỉ ra tính chất đặc trưng cho các phần tử của tập hợp để chỉ rằng tập X gồm tất cả các phần tử có tính chất P, ta viết:X={x│x có tính chất P}
3. Tập rỗng
Tập hợp rỗng là tập hợp không chứa phần tử nào cả. Kí hiệu là: ∅.
Chú ý
i. Tập rỗng là duy nhất.
ii. Nếu A không phải là tập hợp rỗng thì A chứa ít nhất một phần tử.
A ≠ ∅ ⇔ ∃x: x ∈ A.
II. TẬP HỢP CON
Nếu mọi phần tử của tập hợp A đều là phần tử của tập hợp B thì ta nói
A là một tập hợp con của B và viết A ⊂ B (đọc là A chứa trong B).
Như vậy: A ⊂ B ⇔ (∀x : x∈A ⇒ x ∈ B).
Chú ý
i. Thay cho A ⊂ B ta cũng viết B ⊃ A (đọc là B chứa A hoặc B bao hàm A).
ii. Nếu A không phải là một tập con của B, ta viết A ⊄ B.
Tính chất
a) A ⊂ A với mọi tập hợp A.
b) Nếu A ⊂ B và B ⊂ C thì A ⊂ C.
c) ∅ ⊂ A với mọi tập hợp A.
III. TẬP HỢP BẰNG NHAU
Khi A ⊂ B và B ⊂ A ta nói tập hợp A bằng tập hợp B và viết là A = B.
Như vậy: A = B ⇔ (∀x: x ∈ A ⇔ x ∈ B).