Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam thời phong kiến.
Bạn phải là thành viên VIP mới được làm bài này! Đăng ký mua thẻ VIP tại đây
- Lòng yêu nước bắt nguồn từ những tình cảm đầu tiên của con người đối với người thân trong gia đình và mở rộng ra là quê hương, là làng xóm và cao hơn là quốc gia, dân tộc hay Tổ quốc.
- Từ mấy nghìn năm trước đây, cộng đồng những người nguyên thuỷ trên đất nước Việt Nam, từ trong lao động đã cùng nhau chinh phục châu thổ các con sông lớn. Họ sống quần tụ với nhau, đã sáng tạo nên nền văn minh Việt cổ và xây dựng nên một quốc gia - nước Văn Lang. Từ trong quá trình giao lưu, trao đổi và đoàn kết với nhau để chống thiên tai, bảo vệ cuộc sống đã nảy nở một tình cảm gắn bó với nhau vượt ra khỏi khuôn khổ của một làng, một địa phương thành mức độ rộng lớn hơn mà chúng ta gọi là lòng yêu nước.
- Sự đoàn kết của con người, của các làng xóm trong cuộc sống được phát huy và phát triển ở mức độ cao hơn đó là chống giặc ngoại xâm để bảo vệ những thành quả mà con người đã tạo dựng nên. Sự ra đời của Nhà nước Âu Lạc từ trong cuộc kháng chiến chống quân Tần đã đánh dấu bước phát triển mới của lòng yêu nước.
- Trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, nhân dân ta lại đấu tranh không ngừng để chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, giành lại quyền tự chủ. Đồng thời xây dựng, phát triển đất nước và giữ gìn, phát huy những di sản văn hoá của tổ tiên để lại chính là đã nâng cao và phát triển hơn nữa lòng yêu nước. Việc thờ cúng những người anh hùng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược đã thể hiện lòng tự hào dân tộc và khắc ghi lòng yêu nước của người dân Việt để từ đó hình thành truyền thống yêu nước Việt Nam.
- Bối cảnh lịch sử trong 9 thập kỉ độc lập đã tác động đến lòng yêu nước của mọi người dân Việt Nam.
- Việc thể hiện truyền thống yêu nước trong thời kì này vừa ở việc xây dựng đất nước trên các lĩnh vực, vừa là chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc.
- Từ thế kỉ X, đất nước được độc lập, tự chủ với lãnh thổ, tiếng nói, phong tục tập quán và tín ngưỡng riêng. Nhưng một nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho cả dân tộc là vừa phải xây dựng và phát triển đất nước để có thể "làm chủ một phương". Mặt khác, vẫn phải thường xuyên đối phó với âm mưu xâm chiếm các nước phương Nam của các triều đại phương Bắc.
- Các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thắng lợi với hàng loạt chiến công oanh liệt của các anh hùng thời Lý, Trần và chống Minh đã chứng tỏ tình yêu Tổ quốc đã được khắc sâu ở mọi tầng lớp và mọi người dân Việt Nam.
- Công cuộc xây dựng một chính quyền của riêng mình để chứng tỏ "Nam, Bắc đều chủ nước mình, không phải noi nhau" và nền kinh tế độc lập tự chủ với nền văn hoá mang bản sắc dân tộc. Điều này đòi hỏi con người phải lao động, phải kiên trì và sáng tạo, đồng thời phải có lòng yêu nước. Vì xây dựng đất nước vững mạnh cũng là góp phần chiến thắng giặc ngoại xâm.
- Truyền thống yêu nước Việt Nam còn luôn luôn gắn với ý thức đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân và đoàn kết các tộc người trên đất nước Việt Nam.
- Truyền thống yêu nước dần dần còn mang thêm yếu tố nhân dân, vì dân và thương dân.
- Lịch sử Việt Nam là lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước. Mở đầu cho thời kì phong kiến độc lập cũng chính là lúc mà nhân dân ta vừa phải đấu tranh gian khổ để giành độc lập. Chính vì vậy, ý thức về nền tự chủ, về tình cảm và tinh thần đoàn kết từ giai cấp thống trị đến nhân dân lao động đều được thể hiện và phát huy.
- Chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc là nét đặc trưng nổi bật nhất của truyền thống yêu nước Việt Nam thời phong kiến.
- Trong sự nghiệp xây dựng đất nước của thời kì phong kiến độc lập, truyền thống yêu nước tiếp tục được giữ gìn và phát huy.
- Truyền thống yêu nước Việt Nam được hình thành từ xa xưa. Nó được phát huy và phát triển ở thời phong kiến. Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc. Sau đó càng được phát triển mạnh mẽ hơn trong sự nghiệp chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mĩ. Ở thời kì hiện tại, truyền thống yêu nước Việt Nam đã và đang được thể hiện một cách rõ rệt trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhiệm vụ của chúng ta là gìn giữ, phát huy truyền thống dân tộc trong công việc dựng nước và giữ nước ngày nay.