Bài 14: Các quốc gia cổ đại trên đất nước Việt Nam. - Lịch sử lớp 10

Quốc gia Văn Lang - Âu Lạc. Quốc gia cổ Cham - Pa. Quốc gia cổ Phù Nam.

Bạn phải là thành viên VIP mới được làm bài này! Đăng ký mua thẻ VIP tại đây

Lý thuyết bài 14: Các quốc gia cổ đại trên đất nước Việt Nam.

1. Quốc gia Văn Lang - Âu Lạc

a) Quá trình hình thành quốc gia Văn Lang - Âu Lạc :
+  Sự chuyển biến của nền kinh tế : với các công cụ lao động bằng đồng thau phổ biến và bắt đầu có công cụ bằng sắt. Nền nông nghiệp trồng lúa nước với việc dùng cày và sức kéo của trâu bò khá phổ biến. Đã có sự phân công lao động giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp.
+ Sự chuyển biến xã hội : từ sự chuyển biến trong nền kinh tế đã dẫn đến sự phân hoá giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Cùng với sự phân hoá xã hội là sự tan rã của công xã thị tộc và sự ra đời của công xã nông thôn với các gia đình nhỏ theo chế độ phụ hệ.
+ Công tác trị thuỷ, thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp và chống ngoại xâm cũng được đặt ra. Đưa đến sự ra đời của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc.
b) Tổ chức Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc còn rất đơn giản, sơ khai :

- Đứng đầu Nhà nước Văn Lang là vua Hùng, đứng đầu Nhà nước Âu Lạc là vua Thục An Dương Vương. Giúp việc cho vua có Lạc hầu, Lạc tướng. Cả nước chia làm 15 bộ, do Lạc tướng đứng đầu. Dưới bộ là các xóm, làng do Bồ chính (già làng) cai quản.
- Nhà nước Âu Lạc được mở rộng hơn về lãnh thổ so với Nhà nước Văn Lang, có quân đội mạnh, vũ khí tốt và thành Cổ Loa kiên cố. Nhờ đó, nhân dân Âu Lạc đã tiến hành kháng chiến chống ngoại xâm thắng lợi.
c) Kết cấu xã hội Văn Lang - Âu Lạc gồm có các tầng lớp : vua, quý tộc, dân tự do, nô tì. 
- Cư dân Văn Lang - Âu Lạc có đời sống vật chất và tinh thần khá phong phú : ăn gạo nếp, gạo tẻ, khoai, sắn, ở nhà sàn, có tục nhuộm răng đen, ăn trầu. Nữ mặc áo, váy, nam đóng khố. 
 - Tín ngưỡng phổ biến là sùng bái tự nhiên, thờ cúng tổ tiên, sùng kính các anh hùng có công với nước, với làng.

2. Quốc gia cổ Cham-pa

- Quốc gia cổ Cham-pa được hình thành trên cơ sở của văn hoá Sa Huỳnh ở khu vực đồng bằng ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ Việt Nam ngày nay (sử dụng lược đồ).
- Thời gian : cuối thế kỉ II, nước Lâm Ấp ra đời sau cuộc khởi nghĩa do Khu Liên lãnh đạo giành thắng lợi.
- Lãnh thổ của nước Lâm Ấp về sau được mở rộng đến sông Gianh (Quảng Bình) ở phía Bắc, đến sông Dinh (Bình Thuận) ở phía Nam và đổi tên nước là Cham-pa, kinh đô ban đầu đóng ở Sin-ha-pu-ra (Trà Kiệu - Quảng Nam). Sau đó rời đến In-đra-pu-ra (Đồng Dương -
Quảng Nam) rồi đến Vi-giay-a (Chà Bàn - Bình Định). 
- Cham-pa theo chế độ quân chủ, vua nắm mọi quyền hành về chính trị, kinh tế, tôn giáo.
- Hoạt động kinh tế của cư dân Cham-pa : chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa, sử dụng công cụ bằng sắt và sức kéo của trâu bò. Ngoài nông nghiệp, họ còn có các nghề thủ công và khai thác lâm thổ sản. Nhiều công trình xây dựng đạt ở trình độ cao như các tháp Chăm, tượng và các bức chạm.
- Văn hoá : người Chăm ở nhà sàn, có tục ăn trầu, thờ cúng tổ tiên và hoả táng người chết. Từ thế kỉ IV, dân tộc Chăm đã có chữ viết. Tôn giáo của người Chăm là Hin-đu và Phật giáo.
- Xã hội : gồm tầng lớp quý tộc, dân tự do, nông dân lệ thuộc và nô lệ.
- Sau một thời kì phát triển, từ cuối thế kỉ XV Cham-pa suy thoái và trở thành một bộ phận của lãnh thổ, cư dân và văn hoá Việt Nam.

3. Quốc gia cổ Phù Nam

- Thời gian ra đời : trên cơ sở của nền văn hoá Óc Eo (An Giang), vào khoảng thế kỉ I, quốc gia cổ Phù Nam hình thành ; phát triển nhất là trong các thế kỉ III - V.
- Về kinh tế : cư dân Phù Nam chủ yếu là sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, ngoài ra còn làm nghề thủ công, ngoại thương.
- Về văn hoá : cư dân có tập quán ở nhà sàn, mặc áo chui đầu, xăm mình, xoã tóc. Nghệ thuật ca múa nhạc cũng khá phát triển. Tôn giáo là Phật giáo và Hin-đu giáo. Tục chôn người chết có thuỷ táng, hoả táng, thổ táng.
- Xã hội : đã có sự phân hoá giàu nghèo, gồm các tầng lớp quý tộc, bình dân và nô lệ.
- Từ cuối thế kỉ VI, Phù Nam suy yếu, bị Chân Lạp thôn tính.


Học Tin Học