Những dấu tích Người tối cổ ở Việt Nam. Sự hình thành và phát triển của Công xã thị tộc. Sự ra đời của thuật luyện kim và nghề nông trồng lúa nước.
Bạn phải là thành viên VIP mới được làm bài này! Đăng ký mua thẻ VIP tại đây
- Cách đây 30 - 40 vạn năm, trên đất nước ta đã có con người sinh sống. Các bằng chứng về khảo cổ học đã chứng minh điều này : răng hoá thạch và các công cụ đá ghè đẽo thô sơ mà các nhà khảo cổ học tìm thấy ở Lạng Sơn, Thanh Hoá, Đồng Nai, Bình Phước...
- Đặc điểm của Người tối cổ : sống thành từng bầy, săn bắt thú rừng và hái lượm để sinh sống.
- Những địa điểm có dấu tích của Người tối cổ( Lạng Sơn, Thanh Hóa, Đồng Nai, Bình Phước...) những rìu tay tìm được ở núi Đọ (Thanh Hoá) . Đây là những công cụ đá được ghè đẽo qua loa thuộc sơ kì thời đại đá cũ mà Người tối cổ dùng để chặt, đập.
a) Sự hình thành Công xã thị tộc
- Sau một quá trình dài phát triển và tiến hoá, Người tối cổ đã chuyển hoá thành Người tinh khôn. Đó là dấu tích mà các nhà khảo cổ học đã tìm thấy tại các di tích văn hoá Ngườm (Võ Nhai - Thái Nguyên), Sơn Vi (Lâm Thao - Phú Thọ).
- Chủ nhân của văn hoá Sơn Vi cư trú trong các hang động, mái đá ngoài trời, ven bờ sông, suối, trên một địa bàn khá rộng : Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Trị. Họ sống thành các thị tộc. Công cụ lao động của họ là những hòn đá được ghè đẽo.
- Hoạt động kinh tế : săn bắt, hái lượm là hoạt động chủ đạo.
b) Sự phát triển của công xã thị tộc
- Sau nền văn hoá Sơn Vi, ở Hoà Bình, Bắc Sơn và nhiều địa phương khác trên đất nước Việt Nam, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích của văn hoá sơ kì đá mới, cách ngày nay khoảng 6000 - 12000 năm.
- Tổ chức xã hội : cư dân Hoà Bình, Bắc Sơn hợp thành các thị tộc, bộ lạc. Họ đã sống định cư lâu dài trong các hang động, mái đá gần nguồn nước.
- Hoạt động kinh tế : săn bắt, hái lượm là nguồn sống chính của cư dân Hoà Bình, Bắc Sơn. Ngoài ra họ còn biết tới các loại rau, củ, cây ăn quả.
- Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Hoà Bình, Bắc Sơn cũng được nâng cao thêm.
- Cuộc "cách mạng đá mới" : Cách ngày nay khoảng 5000 - 6000 năm, con người đã biết sử dụng kĩ thuật cưa khoan đá và làm đồ gốm bằng bàn xoay. Phần lớn các thị tộc đã biết sử dụng cuốc đá trong nông nghiệp trồng lúa.
- Công cụ được cải tiến đã làm tăng năng suất lao động. Việc trao đổi sản phẩm giữa các bộ lạc được đẩy mạnh. Nhờ vậy, cuộc sống con người cũng được ổn định và cải thiện. Đời sống tinh thần được nâng cao. Địa bàn cư trú của con người cũng được mở rộng hơn trước.
- Cuộc "cách mạng đá mới" đã tạo tiền đề cho sự ra đời thuật luyện kim và nông nghiệp trồng lúa nước.
- Cách ngày nay khoảng 3000 - 4000 năm, các bộ lạc trên đất nước ta, trên cơ sở trình độ phát triển cao của kĩ thuật chế tác đá, làm gốm đã biết khai thác, sử dụng nguyên liệu đồng và thuật luyện kim để chế tạo công cụ lao động và các vật dụng trong cuộc sống. Nghề trồng lúa nước trở nên phổ biến.
- Các bộ lạc Phùng Nguyên làm nông nghiệp trồng lúa nước, sống định cư lâu dài trong các thị tộc mẫu hệ. Công cụ lao động chủ yếu là bằng đá. Họ làm đồ gốm bằng bàn xoay, biết xe chỉ, dệt vải, chăn nuôi gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, gà. Trong các di chỉ của văn hoá Phùng Nguyên, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy xỉ đồng, dây đồng, dùi đồng.
- Các bộ lạc ở vùng châu thổ sông Mã (Thanh Hoá), sông Cả (Nghệ An) cũng đã tiến đến thời đại sơ kì đồng thau. Hoạt động kinh tế của cư dân chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa. Bên cạnh đó có các nghề thủ công làm đá, làm gốm. Ở các di tích, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy các hiện vật bằng đồng.
- Ở khu vực Nam Trung Bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà), chủ nhân của văn hoá Sa Huỳnh cũng biết đến kĩ thuật luyện kim và tiến đến buổi đầu của thời đại kim khí, cách ngày nay chừng 3000 - 4000 năm. Hoạt động kinh tế chủ yếu của cư dân Sa Huỳnh là nông nghiệp trồng lúa. Ngoài ra họ còn làm gốm, dệt vải và làm đồ trang sức.
- Ở lưu vực sông Đồng Nai (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Long An...), các nhà khảo cổ học đã phát hiện được một số di tích thuộc thời đại đồ đồng. Cư dân văn hoá Đồng Nai làm nông nghiệp trồng lúa nước và các cây lương thực khác. Ngoài ra, họ còn làm nghề khai thác sản vật rừng, săn bắn, làm nghề thủ công.
- Như vậy, cách ngày nay khoảng 3000 - 4000 năm, các bộ lạc sinh sống trên các vùng miền khác nhau của Việt Nam đã bước vào thời đại kim khí. Đó chính là cơ sở, tiền đề làm cho xã hội nguyên thuỷ ở nước ta chuyển sang thời đại dựng nước đầu tiên.